Ở lứa tuổi trung niên (từ 35 – 50 tuổi), phụ nữ bận rộn với gia đình và công việc nên thường không để ý đến sức khỏe của mình trong khi lứa tuổi này lại có nhiều thay đổi bên trong cơ thể.
Ở lứa tuổi trung niên (từ 35 – 50 tuổi), phụ nữ bận rộn với gia đình và công việc nên thường không để ý đến sức khỏe của mình trong khi lứa tuổi này lại có nhiều thay đổi bên trong cơ thể. Vì vậy đừng bỏ qua những biểu hiện bất thường dù nhỏ của cơ thể. Đó có thể là nguy cơ một số bệnh nguy hiểm.
Các dấu hiệu thường gặp là triệu chứng của nhiều bệnh
Đau đầu, chóng mặt: Đau đầu là triệu chứng thường thấy của chị em ở bất cứ lứa tuổi nào nên khi thấy ai đó kêu đau đầu thì mọi người đều thờ ơ, coi đó là chuyện thường ngày. Vì vậy, phụ nữ chính là đối tượng thường xuyên phải đối mặt với những mệt mỏi, khó chịu và nguy hiểm. Đau đầu cũng do nhiều lý do: đau theo chu kỳ kinh, đau đầu do vận mạch… Tuy nhiên đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của chứng tăng huyết áp, thiếu máu não… Đau đầu kèm hoa mắt chóng mặt nhẹ là biểu hiện thường gặp với nhiều người và có thể qua nhanh, nhưng không thể xem thường, vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
Thường xuyên hoa mắt chóng mặt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, nhưng đôi khi cũng chỉ là sinh lý bình thường, không có tổn thương thực thể. Không chỉ có người già, trung niên mà thanh niên hiện nay cũng gặp phải tình trạng này. Đây là một trong những biểu hiện khi làm việc trong môi trường làm việc với cường độ cao, căng thẳng khi làm việc lâu trong một tư thế. Nếu bị nặng hơn có thể thấy mọi vật như quay cuồng trước mắt, đầu óc choáng váng khiến đứng không vững, chân tay lạnh, toát mồ hôi, buồn nôn… Các triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, tay chân bủn rủn và mắt mờ hẳn đi có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
Mệt mỏi, đau vùng ngực: Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhưng ẩn chứa nhiều bất thường về sức khỏe của chị em. Đó có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất của stress, thiếu máu, huyết áp thấp, nhiễm virut, viêm khớp, mất cân bằng tai trong, giảm đường huyết, tăng huyết áp, bệnh tim…
Khi xuất hiện những cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, có thể có thêm những cơn đau ở phần trên cơ thể (vai, cánh tay, phần trên của lưng, cổ hoặc hàm), đau vùng thượng vị, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau đầu thì đó có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch.
Đau lưng: Phụ nữ hay đau lưng nhưng thường chủ quan và không đi khám bác sĩ. Đau lưng kèm theo dấu hiệu chóng mặt có thể là do chứng thoái hóa cột sống, hội chứng thiếu máu não. Đau ở thắt lưng kèm theo nhức chân, đùi bị tê có thể bị bệnh lý về cột sống. Đau lưng do bệnh lao thường kèm theo tức ngực, ho kéo dài, sút cân. Đau lưng do bệnh thận chủ yếu là đau ở hai bên thắt lưng, ngoài ra còn có những triệu chứng: đi tiểu ít, ăn uống không ngon miệng, phù nề… Nếu đau nhiều ở đoạn cuối lưng, thường xuất hiện một cách đột ngột khi nâng vật nặng hay vận động mạnh thì có thể do thoát vị đĩa đệm. Trong đau lưng do bệnh phụ khoa thì phần lớn là đau nhức phần xương cụt, kèm các triệu chứng: đau bụng, kinh nguyệt không đều, nhiều khí hư. Ngoài ra, những bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, bàng quang, niệu quản, người bệnh cũng cảm thấy đau lưng.
Đau bụng, kinh nguyệt thất thường: Đau bụng dưới (vùng hạ vị) ở phụ nữ, không phải lúc nào cũng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Ngoài việc chú ý đến tính chất của cơn đau như: vị trí, hướng bị đau, đau nhiều hay ít, cần phải quan tâm đến thời điểm xuất hiện cơn đau. Nếu cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ, đó là hiện tượng sinh lý thông thường (do rụng trứng), chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau. Nếu nghỉ ngơi mà không đỡ, cơn đau dày và nặng hơn, có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.
Đau bụng dưới có cảm giác lệch phải có thể là tín hiệu của các viêm ruột thừa. Đối với phụ nữ luống tuổi, ruột thừa thường ở rất thấp trong khung chậu, khi viêm cấp có các cơn đau giống như đau cơ quan sinh dục.
Ngoài ra, có một bệnh khá nguy hiểm với phụ nữ là viêm vòi trứng, do vi khuẩn gây viêm ở âm đạo lan theo tử cung lên vòi trứng. Bệnh thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa kỳ kinh, sốt và có nhiều khí hư. Nếu không điều trị tận gốc, các tổn thương có thể gây ra vô sinh hoặc có thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm.
Kinh nguyệt không đều hoặc thất thường có thể là dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố, hoặc là triệu chứng của bệnh buồng trứng đa nang… Trường hợp luôn có chu kỳ kinh nguyệt bất thường trong hơn 3 năm hoặc có các triệu chứng sức khỏe khác như lông trên cơ thể phát triển, tăng khối lượng cơ bắp thì có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng hormon trong cơ thể và cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi thấy các triệu chứng đau, dù đau nhiều hay ít, dù có gây sốt hay không, chị em cũng nên đi khám ngay. Không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau, vì việc đó sẽ làm giảm khả năng phát hiện triệu chứng bệnh. Chị em cần biết, sức khỏe sẽ sụt giảm đáng kể từ sau khi sinh con, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Vì vậy, mọi người nên khám bệnh định kỳ. Dinh dưỡng hàng ngày là yếu tố quan trọng nhưng lại bị nhiều chị em bỏ qua. Hầu hết các phụ nữ bận rộn đều không ăn các thức ăn đủ dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Nguồn dinh dưỡng cần thiết cho phụ nữ tốt nhất có từ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là trái cây, rau và các loại ngũ cốc. Để chống lại các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, một số bệnh ung thư, phụ nữ nên tham gia các hoạt động có mức vận động vừa phải như đi bộ, khiêu vũ, đạp xe ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên còn giúp hạ huyết áp, giúp xương và khớp khỏe hơn, giảm lo lắng và trầm cảm, giúp bạn ngủ ngon hơn và giảm đau do viêm khớp. Tập yoga, thiền, dưỡng sinh cũng rất tốt cho chị em.
Theo Suckhoedoisong