Tình trạng biếng ăn ở trẻ sơ sinh luôn khiến các bà mẹ lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân của nó và các biện pháp để khiến trẻ hay ăn, chóng lớn.
Trẻ sơ sinh thường xảy ra tình trạng biếng ăn. Điều này luôn khiến các bà mẹ lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và những bí quyết nào để trẻ có thể ăn ngon miệng.
Theo bác sĩ, trong khoảng thời gian từ 1-5 tuổi, nhu cầu tăng cân của trẻ rất ít. Cho nên, những trẻ ở độ tuổi này thường không muốn ăn cho nên có những bé đứng cân 3-4 tháng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều này lại khiến các mẹ “ăn không ngon ngủ không yên”. Thực ra, nếu trẻ vẫn sinh hoạt bình thường thì các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Khi nào có nhu cầu nạp năng lượng, trẻ sẽ ăn một cách ngon lành. Vì vậy, chúng ta không nên đưa trẻ ra cân mỗi tháng để chuốc lấy stress.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác khiến trẻ biếng ăn là do trẻ đã uống quá nhiều sữa. Có bà mẹ than thở, con trai cả ngày uống hết 2 dây sữa nên không thèm ăn cơm. Đó là điều đương nhiên vì nó khiến trung tâm thèm ăn trên não bộ không còn phát ra tín hiệu thèm ăn và khiến trẻ luôn cảm thấy no.
Mặt khác, việc các bà mẹ luôn ép con ăn cũng là một lý do ngiêm trọng khiến trẻ biếng ăn. Bởi vì, khi bị bắt ép, dọa nạt trẻ sẽ luôn cảm thấy lo sợ và có tâm lý chống lại việc ăn. Cho nên, để trị chứng biếng ăn thì trước hết cha mẹ cần phải nhìn lại mình và thay đổi thái độ khi cho trẻ ăn.
Vậy, để trị biếng ăn ở trẻ sẽ có những giải pháp sau. Trước hết, các mẹ hãy để trẻ tự quyết định bản thân muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Còn nhiệm vụ của chúng ta là chế biến cho trẻ những món ăn ngon và đầy chất dinh dưỡng. Nếu trẻ không thích một món ăn thì cũng không nên quá căng thẳng vì chúng ta có thể thử lại nhiều lần. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bạn nên thử liên tục bảy lần một món ăn cho trẻ, nếu trẻ vẫn từ chối thì lúc đó có nghĩa trẻ không thích. Đừng vội vã thúc ép trẻ trong việc ăn vì khi đói trẻ sẽ ăn thôi.
Giải pháp thứ hai là các mẹ tuyệt đối không cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày hoặc ăn vặt trước bữa ăn. Bởi một lý do rất đơn giản việc làm này sẽ khiến trẻ không bao giờ có cảm giác đói và thèm ăn. Cho nên, chúng ta nên cho trẻ ăn vặt một lần trong ngày và sau bữa ăn.
Mặt khác, nếu trẻ đã có thể tự xúc ăn thì bạn đừng bao giờ xúc cho trẻ vì như thế sẽ khiến trẻ cảm thấy thích thú với việc ăn và có tâm lý muốn khám phá bữa ăn dù ban đầu lúc chưa quen trẻ có thể nghịch phá. Nhưng sau một thời gian, trẻ sẽ quen dần.
Ngoài ra, chúng ta không nên cho trẻ uống quá nhiều sữa. Có một tình trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay là các mẹ luôn chiều theo ý thích của con. Cho nên, khi con muốn uống sữa đều đáp ứng cho con. Tuy nhiên, các mẹ không biết rằng uống sữa quá nhiều sẽ khiến trẻ không có cảm giác thèm ăn. Sữa cũng cung cấp nhiều năng lượng nhưng không thể cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trẻ chỉ uống sữa sẽ dễ bị thiếu sắt và táo bón.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Vì ở độ tuổi này nhu cầu của trẻ cũng không cao. Bình thường, trẻ chỉ uống mỗi ngày khoảng 1 -2 ly sữa, ăn 3 bữa với mỗi bữa chỉ khoảng vài thìa. Theo thời gian, khi trẻ lớn chúng ta sẽ tăng dần lượng thức ăn.
Và một điều quan trọng, chúng ta không nên kéo dài bữa ăn quá lâu và hãy để trẻ muốn ăn ra sao thì tùy trẻ. Hãy để trẻ cảm thấy thích thú khi ăn, không nên biến bữa ăn thành một cuộc chiến với những lời quát mắng, dọa nạt.
Theo Phunutoday