Người mắc bệnh cảm mạo có thể dùng những bài thuốc dân gian dễ thực hiện tại nhà có hiệu quả cao đến bất ngờ.
Ba món chữa cảm mạo phong hàn
Cảm mạo phong hàn mới mắc, triệu chứng chính là nặng đầu hay đau đầu, sợ lạnh, tứ chi căng đau, phát sốt nhưng không ra mồ hôi, kèm có nghẹt mũi, chảy mũi nước trong. Người bệnh cảm thấy miệng không khát, khạc đàm trắng loãng, khi soi gương tự quan sát thấy rêu lưỡi trắng mỏng. Phương pháp thực liệu với tân ôn giải biểu (làm ấm cho vã mồ hôi) là chính, gồm 3 món như sau:
Ngũ thần ẩm: kinh giới, lá tía tô, gừng tươi với mỗi thứ 10g đều thái nhuyễn, cùng với trà 6g hãm trong nước sôi trong một thời gian, rồi trộn đều với đường đen 30g, sau khi nấu sôi uống ngay lúc nóng, sau khi uống đắp chăn, nếu vã mồ hôi chưa nhiều, 1 tiếng sau lại uống 1 lần, tức sẽ cho cảm giác sợ lạnh, đau mình giảm xuống một mức độ nhất định. Người lạnh bên ngoài (biểu hàn), mình đau người nặng, có thể thêm ma hoàng 6g, quế chi 9g để tăng sức làm ấm cho ra mồ hôi của thuốc.
Cháo song bạch ngọc: gạo tẻ 50g thêm nước nấu cháo, sau khi sôi thêm vào nửa bó cải thảo đã thái lát, hành đoạn 20g và gừng tươi 10g, nấu cho đến khi cải và hành mềm, cháo đặc, nêm ít muối thì dùng. Món cháo xúc tiến vã mồ hôi, tán hàn khí, lại điều hòa vị khí (chức năng tiêu hóa), làm cho ra mồ hôi mà không gây tổn thương chánh khí (thể lực), nhất là thích hợp dùng cho người cao tuổi.
Canh đậu phụ – jambon – cải bẹ xanh: đậu phụ 100g thái lát, cùng jambon sợi 50g dùng ít dầu đậu phộng xào sơ, thêm 1 lít nước dùng, gừng tươi 10g nấu sôi, thêm cải bẹ xanh 30g, bột tiêu, ngò nhuyễn trước khi bắc khỏi bếp, nêm muối uống ngay lúc nóng. Bệnh cảm ngoài triệu chứng sợ lạnh; đau mình ra, thường kèm chán ăn, miệng nhạt, dạ dày lạnh, trên cơ sở của hai món nêu trên, món canh này dùng cải bẹ, ngò, gừng tươi và tiêu để tán hàn (trừ lạnh), thêm đâu phụ; thịt jambon để bồi bổ tỳ vị, tăng thêm sự thèm ăn, tiếp bước tăng nhanh chức năng tự hồi phục của cơ thể.
Ba món chữa cảm mạo phong nhiệt
Cảm mạo phong nhiệt với biểu hiện phát sốt tăng nặng; đau đầu; cổ họng sưng đau; nghẹt mũi; nước mũi vàng; khạc đàm dính hay vàng, kèm miệng khát thích uống nước, sợ gió. Tự soi gương quan sát thấy chót lưỡi đỏ; rêu trắng mỏng hơi vàng. Có thể nặng hơn sẽ nổi mụn; táo bón… Phương pháp điều trị với tân lương giải biểu (làm mát cho ra mồ hôi) là chính.
Cao bạc hà: bạc hà 15g sắc lấy nước để nguội, gạo tẻ 60g, thêm nước nấu cháo, chờ khi cháo chín, thêm nước sắc bạc hà và đường phèn vừa đủ, ăn lúc hơi ấm, vã mồ hôi là tốt. Bạc hà là thuốc sơ tán phong nhiệt, thêm gạo tẻ; đường phèn nấu cháo vừa giúp vã mồ hôi, lại có tác dụng bảo vệ dạ dày. Món cháo rất thích hợp cho người mới mắc bệnh.
Bạc hà là thuốc sơ tán phong nhiệt
Tang cúc bạc hà ẩm: tang diệp (lá dâu) 6g, cúc hoa 6g, bạc hà 4g, lá tre 15g, mật ong một ít, thêm nước vừa đủ, nấu sôi, dùng uống thay trà. Lá dâu thanh phế nhiệt; cúc hoa sơ tán phong nhiệt, sáng mắt bình can; bạc hà là thuốc chính sơ phong tán hàn, giúp nhanh chóng giải trừ triệu chứng đau đầu. Cũng thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp hay đau đầu; mắt mờ.
Bối mẫu – sa sâm hấp lê: lê 1 quả gọt vỏ, bối mẫu 6g; sa sâm 10g; bạc hà 4g và đường phèn vừa đủ, cùng cho vào trong bát thêm nước để hấp, chia ăn sáng và chiều, dùng liền vài ngày. món uống nhuận táo trị ho, hóa đàm tuyên phế (bổ phổi), nhất là thích hợp cho người cao tuổi; trẻ em sau khi mắc bệnh cảm sốt mà gây ra các triệu chứng như: ho khan đau họng; phổi nóng đàm vàng; hay mất thể dịch miệng khát; đại tiện táo kết…
Theo Eva