Trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng lại không có kinh nguyệt bình thường như những người khác được gọi là vô kinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn cần được khám và điều trị sớm.
Nguyên nhân và biểu hiện
Vô kinh có thể xảy ra do rối loạn hoạt động nội tiết, do bất thường, dị tật, khuyết tật của cơ thể hoặc của bộ phận sinh dục, đặc biệt ở buồng trứng, tử cung. Dấu hiệu cơ bản nhất là không có kinh nguyệt, ngoài ra có thể kèm theo các dấu hiệu như: dịch tiết âm đạo bất thường, đau đầu, rụng tóc, mọc nhiều lông trên mặt, giảm thị lực… Ở những người quá gầy yếu do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, nhiễm độc, có bệnh gan, bệnh thận mạn tính; do dùng dài ngày các thuốc an thần, thuốc chuyển hóa hoặc thuốc chống ung thư; gặp những cú sốc lớn về tinh thần… cũng có thể gây vô kinh.
Vô kinh bao gồm: Vô kinh nguyên phát, đây là trường hợp đã quá tuổi đáng lẽ phải có kinh mà vẫn không có kinh; Vô kinh thứ phát là trường hợp người phụ nữ đã từng có kinh từ một lần trở lên nhưng lại không có trong 3 chu kỳ liên tục trở lên.
Vô kinh còn được chia ra hai loại: Vô kinh thật là những trường hợp cơ quan sinh dục ngoài của người phụ nữ có cấu tạo như bình thường nhưng từ tuổi dậy thì đến lúc trưởng thành chưa bao giờ thấy kinh; Vô kinh giả khi người phụ nữ thực sự vẫn có kinh hàng tháng nhưng máu kinh không chảy được ra ngoài mà lại đọng ở bên trong do khuyết tật ở bộ phận sinh dục như không có âm đạo, màng trinh bị bịt kín…
Biện pháp khắc phục
Để phòng ngừa và điều trị vô kinh, trước tiên cần xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh vì điều này có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là trong giai đoạn dậy thì; Tập thể dục đều đặn và vừa sức; Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý…
Vô kinh do nhiều nguyên nhân. Tuỳ từng nguyên nhân bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị cụ thể. Do đó, khi thấy có bất thường về kinh nguyệt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
Theo Suckhoedoisong