Lo sợ có ai đó tụt chân xuống hố móng ngập nước mà tôi lo lắng, thấp thỏm nhiều đêm.
Anh Lê Tâm, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ những khó khăn mà anh không lường trước được khi xây nhà trong ngõ nhỏ, nằm cách xa mặt đường lớn:
Trước khi lấy vợ, tôi sống cùng bố mẹ và anh chị trong một ngôi nhà ống ở quận Đống Đa. Nhà tôi nằm trong một con ngõ nhỏ yên tĩnh, xung quanh là hàng xóm láng giềng. Chúng tôi sống ở đây khoảng 20 năm nhưng ít khi va chạm, mỗi khi có việc mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ. Có nhiều người thích sống ở chung cư nhưng bản thân tôi lại thấy sống ở nhà riêng thoải mái hơn.
Do quen với nếp sống như vậy nên sau khi lấy vợ, tôi đã mua một miếng đất nằm giữa nhà bố mẹ và cơ quan. Hai vợ chồng tôi đã đi xem rất nhiều nơi nhưng đất ở trung tâm đắt đỏ, vượt ngoài khả năng tài chính của chúng tôi. Nhưng mảnh đất hợp túi tiền thì ở quá xa nhà bố mẹ, đi lại bất tiện, không tiện thăm nom. Hơn nữa, sau này có con, chúng tôi còn muốn nhờ ông bà chăm giúp.
Sau 2 tháng tìm kiếm, vợ chồng tôi chọn mua miếng đất có giá khoảng 45 triệu/m2, nằm trong ngõ khoảng 1m, cách mặt đường 300m nằm ở quận Hai Bà Trưng. Những mảnh đất trong các ngõ rộng khi đó có thể lên tới 60 triệu. Với 2 tỷ đồng, vợ chồng tôi mua mảnh đất này có sẵn ngôi nhà một tâng, một lửng.
Sau khi gom góp được khoảng hơn 3 tỷ tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng, chúng tôi quyết định đập nhà cũ đi, xây nhà mới dù khi đó đang là cuối mùa mưa bão. Do trước đây bố tôi từng làm trong ngành xây dựng nên ông nhận trông công trình giúp vợ chồng tôi.
Các hộ trong ngõ làm nhà xếp các bao tải đựng vật liệu sát dọc lối đi, gây nhiều bất tiện cho hàng xóm. Ảnh minh họa: AY. |
Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng, chúng tôi gặp phải vô vàn khó khăn do ngõ quá nhỏ, có khúc chỉ hẹp 80cm. Lúc đầu, tôi dự tính thuê máy xúc để phá nhà cũ cho nhanh, tuy nhiên, dự định này của tôi không thực hiện được vì xe không vào được tới nơi. Vì thế, công nhân phải sử dụng các phương pháp thủ công là búa và khoan tay để phá nhà cũ.
Thợ mới làm được một ngày thì bố tôi gọi điện bảo về nhà gấp do hàng xóm nhà tôi mới sinh con được hơn 1 tháng tuổi. Cháu bé khóc khan hết cả cổ vì không thể chịu nổi tiếng khoan đục. Vì thế, ông bà của cháu sang đề nghị chúng tôi ngừng thi công. Do mới chuyển đến, tôi không hề muốn làm mất lòng hàng xóm, tuy nhiên cũng không thể chờ đến khi cháu bé lớn mới thi công. Buổi tối hôm đó, tôi phải mang ít hoa quả sang nhà hàng xóm, nói khó mong họ thông cảm. Tôi cũng hứa sẽ báo trước những ngày đập phá, khoan đục hay đổ bê tông để mẹ cháu bế con sang nhà ngoại chơi.
May mắn khi hàng xóm là những người dễ tính nên họ miễn cưỡng đồng ý. Từ đó, cứ dăm bữa nửa tháng, hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau hỏi han, quà cáp để xây dựng quan hệ.
Sau vài ngày chật vật, chúng tôi mới phá xong nhà cũ. Tuy nhiên, công đoạn đào móng cũng vất vả không kém. Do ngõ nhỏ, bố tôi phải thuê một đội xe thồ chở đất với giá cao. Cũng vì nóng vội xây nhà vào mùa mưa nên móng vừa đào xong thì nước dâng cao, việc thi công bị trì hoãn. Tuy nhiên, đó không phải là mối lo chính bởi phần móng nằm sát đoạn hẻm rộng 1m2. Trong ngõ thường có nhiều trẻ em chạy nhảy nên tôi phải thắp đèn từ điện nhà hàng xóm để tránh có ai thụt chân xuống hố.
Sau một tuần, khi đã đổ móng, xây tường lên cao, tôi mới có thể ngủ ngon. Tôi cũng bảo bố tìm nhiều thợ lành nghề để triển khai nhanh dù có phải trả thêm tiền. Do gia đình tôi chọn hình thức đổ bê tông bằng máy nên chỉ có thể tiến hành vào buổi tối. Tuy nhiên, do nhà ở trong hẻm sau, việc tìm được nơi đỗ xe, kéo ống dẫn bê tông vào công trình cũng không phải chuyện đơn giản.
Đến khâu xử lý vật liệu cũng gian nan vô cùng. Cát mua về phải được dồn vào từng bao tải, xếp gọn vào trong nhà hoặc đặt sát tường. Tuy nhiên, do đường đi quá nhỏ hẹp nên bất cứ ai quay xe đều gọi người nhà tôi ra xếp lại. Đặc biệt là khi thợ thi công ở trên tầng cao, bố tôi phải lúi húi kéo bao tải nặng vài chục kg vào một góc. Ngoài ra, công nhân kéo vật liệu lên tầng cao liên tục phải ngừng lại mỗi khi cso xe đi lại.
Vì các nhà trong nhỏ khá sát nhau nên cát bụi vẫn bay sang nhà đối diện. Tôi phải chơ thợ làm tấm bạt phủ từ tầng 3-4 xuống tận tầng 1 để hạn chế bụi bặm bay sang nhà hàng xóm. Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy rất áy náy khi mấy cây cảnh nhà hàng xóm bị chết vì bụi và thiếu sáng.
Cuối cùng, sau 5 tháng, gia đình tôi mới hoàn thành ngôi nhà 3,5 tầng. Đến ngày dọn về nhà mới, tôi mới thở phào nhẹ nhõm như vừa vượt qua một cơn ác mộng dài. Sau khi làm nhà xong, bố tôi bị ốm còn tôi cũng sụt 5kg. May mắn là ngôi nhà hoàn thành gần như mong ước. Ngày cuối tuần, tôi mời cả xóm sang nhà ăn tân gia để cám ơn mọi người. Đến lúc ấy, mọi người sống quanh đây tiếp tục than vãn về nỗi khổ trong những ngày tôi làm nhà. Tôi chỉ biết cười trừ và thầm hứa sẽ không bao giờ xây thêm một căn nhà trong hẻm nữa. Không những thời gian, chi phí đội lên mà còn phải chịu sự bực bội, khó chịu của hàng xóm trong suốt một thời gian dài.
Theo KTS Xuân Hoàng, đa phần các gia đình trong ngõ nhỏ khi xây nhà đều gặp khó khăn giống anh Tâm. Vì thế, gia chủ cần cân nhắc kỹ ngay từ giai đoạn mua đất, mặc dù nhà trong ngõ thường có giá rẻ hơn rất nhiều. Trở ngại đầu tiên là không có mặt bằng để vật liệu hoặc có nhưng hạn chế. Điều này dẫn đến chi phí vận chuyển vật liệu, phế thải tăng lên do khoảng cách xa, di chuyển khó khăn, thường phải chở bằng xe thồ nhỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng khó có thể đảm bảo an toàn trong khi công trình thi công quá gần các nhà xung quanh, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Nhằm hạn chế rắc rối, bạn nên gặp tổ trưởng tổ dân phố và các hộ có thể bị ảnh hưởng trước khi thi công để thông báo trước kế hoạch và mong họ thông cảm. Cùng với đó, bạn nên cho thợ thực hiện các biện pháp che bạt cho những nhà xung quanh để tránh bụi bặm vào nhà họ. Bạn cũng nên thăm dò khu đất nhiều lần, hỏi han những người dân sống xung quanh, đặc biệt là những người đã từng xây nhà trong hẻm. Nhơ vậy, bạn sẽ biết được khu vực nào để có thể để vật liệu trước khi chia nhỏ để chở vào công trình. Hơn nữa, xây dựng trong không gian nhỏ hẹp cần tiến hành nhanh gọn, do vậy, bạn không nên thực hiện vào mùa mưa. Cùng với đó, bạn nên yêu cầu đội thợ cam kết làm ổn định, hạn chế việc phải thay thế hay tạm ngừng giữa chừng, gây tốn thời gian. Thông thường, chi phí xây dựng sẽ bị đội lên, do vậy, bạn cần dự trù thêm một khoản tiền. |
Theo Báo Xây dựng Online